Sữa chua là món ăn quen thuộc đối với nhiều người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết hết những tác dụng của sữa chua đối với sức khỏe cũng như thói quen sư dụng sữa chua như thế nào cho tốt. Trong bài viết này Cá Hề sẽ trích dẫn lại những tác dụng của sữa chua từ các bài viết trên chuyên trang sức khỏe hàng đầu thế giới Healthline. Mời các bạn cùng theo dõi nhé!
Sữa chua được làm như thế nào?
Sữa chua hay Yogurt là một chế phẩm sữa được làm bằng cách cho vi khuẩn lên men sữa. Sữa lên men thành sữa chua do vi khuẩn lactic và hiện tượng này gọi là lên men lactic. Sữa chua có vị sánh, sệt do vi khuẩn lactic đã biến dịch trong sữa thành dịch chứa nhiều axit lactic.
Sữa chua nguyên chất không có thêm chất tạo màu là một chất lỏng màu trắng, đặc với hương vị đặc trưng.
Tác dụng của sữa chua đối với sức khỏe
Thành phần của sữa chua gồm nhiều chất dinh dưỡng quan trọng
Sữa chua chứa hầu hết mọi chất dinh dưỡng mà cơ thể bạn cần.
Nó được biết đến với việc chứa nhiều canxi, một khoáng chất cần thiết cho răng và xương khỏe mạnh. Chỉ một cốc sữa chua cung cấp 49% nhu cầu canxi hàng ngày của bạn.
Sữa chua cũng chứa nhiều vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 và riboflavin, cả hai đều có thể bảo vệ chống lại bệnh tim và một số dị tật bẩm sinh ống thần kinh.
Một cốc sữa chua cung cấp 38% nhu cầu hàng ngày về phốt pho, 12% đối với magiê và 18% đối với kali. Những khoáng chất này cần thiết cho một số quá trình sinh học, chẳng hạn như điều chỉnh huyết áp, sự trao đổi chất và sức khỏe của xương.
Vitamin D trong sữa chua giúp tăng cường sức khỏe của xương và hệ thống miễn dịch, đồng thời có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm bệnh tim và trầm cảm.
Thành phần dinh dưỡng trong 100gr sữa chua nguyên chất
Thành phần dinh dưỡng | Giá trị |
Năng lượng | 61 kcal |
Nước | 88% |
Protein | 3.5gr |
Carbs (Carbohydrat) | 4.7gr |
Đường | 4.7gr |
Chất béo | 3.3gr |
Canxi | 121mg |
Cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác |
Sữa chua chứa nhiều Protein
Sữa chua cung cấp một lượng protein ấn tượng, với khoảng 12 gram protein trên 200 gram sữa chua. Protein đã được chứng minh là hỗ trợ quá trình trao đổi chất bằng cách tăng mức tiêu hao năng lượng của bạn hoặc lượng calo bạn đốt cháy trong ngày.
Bổ sung đủ protein có vai trò rất quan trọng để điều chỉnh sự thèm ăn, vì nó làm tăng việc sản xuất các hormone báo hiệu cảm giác no. Nó có thể tự động giảm số lượng calo bạn tiêu thụ tổng thể, có lợi cho việc kiểm soát cân nặng.
Sữa chua có lợi cho hệ tiêu hóa
Một số loại sữa chua có chứa vi khuẩn sống, hoặc men vi sinh, là một phần của quá trình nuôi cấy ban đầu hoặc được thêm vào sau khi thanh trùng. Chúng rất có lợi cho hệ tiêu hóa của bạn.
Một số loại men vi sinh có trong sữa chua, chẳng hạn như Bifidobacteria và Lactobacillus, đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng khó chịu của hội chứng ruột kích thích (IBS), một rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến ruột kết.
Một nghiên cứu đã cho các bệnh nhân IBS thường xuyên uống sữa hoặc sữa chua lên men có chứa Bifidobacteria. Chỉ sau ba tuần, họ đã báo cáo những cải thiện về tình trạng đầy hơi, đồng thời tần suất đi ngoài cũng cải thiện sau sáu tuần.
Hơn nữa, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng men vi sinh trong sữa chua có thể bảo vệ chống lại bệnh tiêu chảy liên quan đến kháng sinh, cũng như táo bón.
Tăng cường hệ miễn dịch của bạn
Tiêu thụ sữa chua – đặc biệt nếu nó có chứa nhiều probiotic (lợi khuẩn) – thường xuyên có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các lợi khuẩn đã được chứng minh là làm giảm chứng viêm, có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe khác nhau, từ nhiễm vi-rút đến rối loạn đường ruột.
Nghiên cứu cho thấy rằng trong một số trường hợp, lợi khuẩn cũng có thể giúp giảm tỷ lệ mắc, thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh thông thường.
Thêm nữa, các đặc tính tăng cường miễn dịch của sữa chua một phần là do magiê, selen và kẽm. Đây là những khoáng chất vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch.
Sữa chua có tác dụng bổ sung vitamin D góp phần tăng cường sức khỏe miễn dịch hơn nữa. Vitamin D đã được chứng minh về khả năng ngăn ngừa các bệnh tật như cảm lạnh thông thường và cúm.
Tác dụng của sữa chua trong việc ngăn ngừa loãng xương
Sữa chua chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng để duy trì sức khỏe của xương, bao gồm canxi, protein, kali, phốt pho và vitamin D.
Tất cả các vitamin và khoáng chất này đặc biệt hữu ích để ngăn ngừa loãng xương, một tình trạng đặc trưng bởi sự suy yếu của xương thường gặp ở người già.
Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc hấp thụ chất béo bão hòa từ các sản phẩm sữa nguyên kem làm tăng cholesterol HDL “tốt”, có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu khác cũng đã phát hiện ra rằng ăn sữa chua có thể làm giảm tỷ lệ bệnh tim.
Hơn nữa, các sản phẩm từ sữa như sữa chua đã được chứng minh là giúp giảm huyết áp cao, một nguyên nhân tiềm tàng gây bệnh tim. Các tác động của sữa chua dường như nổi bật nhất ở những người đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp.
Sữa chua có tác dụng giúp giảm cân
Nghiên cứu chỉ ra, những người ăn vặt bằng sữa chua ít đói hơn và tiêu thụ ít hơn 100 calo vào bữa tối, so với những người ăn đồ ăn nhẹ có hàm lượng protein thấp hơn.
Tác dụng thúc đẩy cảm giác no của sữa chua thậm chí còn nổi bật hơn nếu bạn ăn sữa chua Hy Lạp, một loại sữa chua đậm đặc. Nó có hàm lượng protein cao hơn sữa chua thông thường, cung cấp lên đến 22 gam protein trên 200 gam sữa chua.
Sữa chua Hy Lạp đã được chứng minh là có tác dụng kiểm soát sự thèm ăn và trì hoãn cảm giác đói hơn các loại sữa chua thông thường có hàm lượng protein ít hơn.
Cách chọn sữa chua tốt cho sức khỏe của bạn
Kiểm tra thành phần trên bao bì
Mặc dù tất cả các loại sữa chua đều có nguồn gốc từ sữa chua nguyên chất, nhưng chúng thường chứa nhiều thành phần bổ sung, chẳng hạn như đường, hương vị nhân tạo, chất ổn định và chất bảo quản. Do đó, bạn hãy cố gắng chọn những loại sữa chua càng ít phụ gia càng tốt.
Trong trường hợp bạn cảm thấy không an tâm khi sử dụng các loại sữa chua trên thị trường. Tốt hơn hết bạn nên mua một chiếc máy làm sữa chua và tự tay làm cho mình những mẻ sữa chua thơm ngon theo ý muốn.
Tránh các loại sữa chua có đường
Đường là thủ phạm chính biến sữa chua từ một thực phẩm lành mạnh thành một thực phẩm không lành mạnh.
Các nghiên cứu đã chứng minh việc tiêu thụ nhiều đường có liên quan đến bệnh béo phì, bệnh tim, rối loạn chức năng trao đổi chất, bệnh gan và bệnh tiểu đường loại 2, cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Mặc dù sữa chua đã chứa một số đường tự nhiên ở dạng lactose (đường sữa), các nhà sản xuất thường thêm một lượng lớn đường đơn để làm cho chúng có vị ngọt hơn.
Thông thường, sự lựa chọn lành mạnh nhất là sữa chua nguyên chất, không hương vị.
Cẩn thận khi lựa chọn sữa chua ít béo
Các chuyên gia y tế thường khuyến nghị chúng ta sử dụng các sản phẩm sữa ít béo. Kết quả là mọi người đều có xu hướng chọn sữa chua ít béo hoặc tách béo với ý nghĩ rằng, chúng không gây tăng cân và tốt cho sức khỏe hơn các loại sữa chua nguyên kem thông thường.
Tuy nhiên, bạn cần phải cẩn thận vì một số sản phẩm sữa chua ít béo lại chứa rất nhiều đường. Lý do là các hãng sản xuất phải cho thêm nhiều đường nhằm bù đắp việc mất hương vị do không có nhiều chất béo.
Do đó, nếu bạn chọn sữa chua ít béo, hãy nhớ tìm loại không thêm đường.
Ăn sữa chua thế nào cho đúng cách?
- Nên ăn sữa chua sau bữa cơm như một món tráng miệng để hỗ trợ hệ tiêu hóa. Không nên ăn sữa chua vào lúc đói, vì lúc này dạ dày tiết ra nhiều acid tiêu diệt các lợi khuẩn, làm giảm tác dụng của sữa chua.
- Khi ăn sữa chua, bạn có thể kết hợp với các loại trái cây để làm đẹp da. Nếu bạn không có thời gian, hãy chọn các loại sữa chua có sẵn nha đam, hạt lựu giúp cho da thanh mát, tươi trẻ.
- Nên bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong vòng 1 tuần sau khi mua. Không nên để vào ngăn đá vì sẽ khiến cho các lợi khuẩn trong sữa chua bị tiêu diệt do nhiệt độ quá lạnh.
Một số lưu ý khi sử dụng sữa chua
Một số người cần thận trọng khi sửa dụng sữa chua, vì nó có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là ở những người không dung nạp lactose hoặc dị ứng với sữa.
Người không dung nạp Lactose
Tình trạng không dung nạp lactose xảy ra khi cơ thể thiếu lactase – một loại enzyme cần thiết để phân hủy lactose trong sữa. Do đó dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng và tiêu chảy đối với một số người sau khi sử dụng sữa chua.
Người bị dị ứng với sữa
Các sản phẩm từ sữa đều có thành phần casein và whey, đây là những protein có thể gây dị ứng cho một số người. Khi bị dị ứng cơ thể sẽ có các dấu hiệu như nổi mề đay, sưng tấy, hoặc trong trường hợp nặng hơn thì gây ra sốc phản vệ có thể đe dọa đến tính mạng.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về tác dụng của sữa chua đối với sức khỏe. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau!